Vài nét về trang phục của phụ nữ xứ Nghệ qua hình tượng người phụ nũ trên cán dao găm Làng Vạc

Ngày đăng: 05/03/2021 16:40

 Trang phục là sản phẩm văn hoá sớm nhất của xã hội loài người, là một trong ba yêu cầu của đời sống vật chất (ăn, ở, mặc). Trang phục là một trong những thành tố văn hóa vật chất rõ nét nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.

Ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, trang phục dân tộc, đặc biệt là trang phục của phụ nữ, qua thời gian luôn thay đổi để thích hợp với từng thời kỳ lịch sử đáp ứng nhu cầu làm đẹp, lao động sản xuất, giao tiếp…

Từ thời Đông Sơn, người Việt cổ trên đất Nghệ đã rất quan tâm tới  giá trị thẩm mỹ trong trang phục. Dựa vào những di vật khảo cổ học chúng ta có thể hình dung được diện mạo và hình ảnh tương đối đầy đủ về  cách ăn mặc của họ cách đây hàng ngàn năm trước. Trong số  di vật thu được trong đợt khai quật tại Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn, Nghệ An lần 1, năm 1973 do Viện Khảo cổ học  và Ty văn hóa Nghệ An thực hiện, các họa tiết hoa văn, hình khối trên cán dao găm và mặt trống đồng đã phần nào chứng minh điều đó.

Trên chiếc cán dao găm độc đáo, có niên đại khoảng 2.500 – 2000 năm cách ngày nay, là tượng người phụ nữ. với đầy đủ váy áo duyên dáng. Tượng có vóc dáng cân đối, mặt trái xoan, mắt to, đầu quấn khăn, mặc áo cánh dài tay. Tay áo và thân áo bó sát làm nổi rõ đường cong cơ thể. Áo được giắt gọn trong cạp váy. Váy dài trùm gót chân, bó sát hông, thắt lưng to rộng bản có thêu thùa cẩn thận. Trước bụng và sau mông buông 2 vạt dài gần hết chiều dài váy. Cổ đeo 3 vòng chuỗi hạt, lần lượt từ ngắn đến dài. Tai đeo khuyên là vòng tròn lớn đeo xệ đến vai. Hai tay đeo nhiều vòng xuyến từ cỏ tay đến khuỷu tay. Như vậy, qua di vật này, chúng ta có thể phác thảo nên một bức tranh, chắc hẳn còn phiến diện, nhưng cũng cho phép hình dung một cách khá cụ thể trang phục của người Việt cổ thuộc văn hóa Đông Sơn sinh sống trên đất Nghệ.

Đầu tiên là kiểu tóc, kiểu tóc quấn ngược lên đỉnh đầu tạo thành một nấm lớn, quanh chân nấm quấn một vành khăn như kiểu vấn khăn của phụ nữ nông thôn Nghệ Tĩnh sau này. Thường thì trang phục màu gì thì vành khăn cũng màu ấy.

Còn trang phục có áo cánh dài tay và váy dài. Phụ nữ Nghệ Tĩnh xưa cũng thường mặc áo cánh ngắn mấp mé eo lưng và bó sát người. Áo thường đẻ hở mấy cúc trên không cài để lộ bên trong chiếc áo yếm kín cổ. Kiểu áo cánh tay dài nhưng lại để lộ chiếc yếm thắm lấp ló bên trong đã từng rất thịnh hình trong giới nữ người Việt nói chung, xứ Nghệ nói riêng cho đến những năm đầu thế kỷ XX, tạo nên nét duyên dáng, đáng yêu của họ. Vì thế mới có câu: “ Đàn ông đóng khố đuôi lươn/ Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh”. Áo mớ đôi mớ ba ( trong vóc ngoài lương) thường là trang phục của tầng lớp giàu sang mà cũng chỉ mặc trong  các hội hè, đình đám bởi điều kiện khí hậu xứ ta nóng nực, không phù hợp. Trong trang phục của chị em không thể thiếu dải thắt lưng, ngoài tác dụng giữ chắc chân váy, có lẽ tác dụng chính của nó là trang sức. Thắt lưng của người phụ nữ trên cán dao găm được trang trí rất cầu kỳ, với hoa văn tinh tế. Ta tưởng tưởng dải thắt lưng sẽ lòa xòa nhún nhảy ở trước váy theo từng bước đi sẽ tôn thêm nét mềm mại, nữ tính của người phụ nữ.

Còn váy, váy phụ nữ Đông Sơn dài trùm gót chân, bó sát hông. Còn chị em Nghệ Tĩnh quen gọi là “ mấn”. “ Mấn” thường dài ngang bắp chân để tiện việc cày cấy, gặt hái. Đây cũng chính là trang phục phổ biến của chị em phụ nữ trước Cách Mạng Tháng Tám, thông dụng nhất là kiểu váy ống, không dải rút như cấu đố vui: Hình như cái trống, thông thổng hai đầu, Nghệ Tĩnh thì có, Kinh Cầu thì không.

Nếu phụ nữ Đông Sơn thích đeo nhiều đồ trang sức ( đeo ở cả tai, cổ, tay) thì phụ nữ xứ Nghệ phần đông lại khá đơn giản, không cầu kỳ. Đặc trưng nổi bật của chị em là trang sức gọn gàng, thích nghi cao độ với khí hậu, cuộc sống lao động sản xuất.

Từ buổi đầu hình thành dân tộc, người Việt cổ đã sớm định hình tính cách cần cù, thông minh, sáng tạo, sự khéo tay, quan niệm thẩm mỹ và nhu cầu thiết yếu của cái đẹp trong đời sống. Tất cả những điều đó thể hiện rất rõ nét trong chính trang phục của họ. Hình tượng người phụ nữ trên cán dao găm cũng  thể hiện vai trò, vị trí quan trọng cũng như tầm ảnh hưởng của người phụ nữ trong xã hội Việt cổ. Qua đó, có thể thấy rằng chính những người Việt cổ- chủ nhân của văn hóa Đông Sơn có niên đại cách chúng ta hàng ngàn năm trước là những người đã đặt nền móng cho văn hóa mặc, làm nên nét đẹp truyền thống trong trang phục của phụ nữ Việt Nam nói chung, Nghệ Tĩnh nói riêng. Ngày nay, trước xu thế giao lưu và hội nhập, việc bảo tồn và phát huy nét đẹp trong trang phục truyền thống chính là góp phần gìn giữ  bản sắc văn hóa lâu đời mà cha ông ta đã dày công tạo dựng.

              Phan Thị Hà Long

    Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial