Trưng bày chuyên đề:

Tinh hoa nghề dệt thêu truyền thống ở Nghệ An

Trong quá trình hình thành và phát triển từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, vùng đất xứ Nghệ địa linh nhân kiệt đã sáng tạo, hội tụ và nuôi dưỡng biết bao giá trị văn hóa. Một trong những giá trị văn hóa đáng tự hào, làm nên diện mạo của người xứ Nghệ “khéo tay, hay nghề được thể hiện một cách rõ nét qua những tác phẩm thủ công truyền thống, đặc biệt là những sản phẩm dệt, thêu còn được lưu giữ trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

Để thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày Quốc tế Bảo tàng, 128 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ An xây dựng chuyên đề: “ Tinh hoa nghề dệt thêu truyền thống ở Nghệ An” với hơn 200 tài liệu, hình ảnh được trưng bày theo 3 chủ đề.

Chủ đề 1: Nghề dệt, thêu trong đời sông dân tộc Kinh

Chủ đề 2: Nghề dệt, thêu trong đời sông dân tộc Thái

Chủ đề 3: Bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thêu truyền thống

Nghề dệt, thêu trong đời sông dân tộc Kinh

Ở Nghệ An, nghề dệt thủ công xuất hiện từ rất sớm, đóng vai trò quan trọng trong đời sống và là một trong những nét đẹp tạo nên bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Trước đây, ở xứ Nghệ, việc trồng bông, trồng dâu, kéo sợi, ươm tơ, dệt vải hầu như làng nào cũng có, nhiều nhất là ở Nam Đàn, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu… Đã có không ít câu ca dao, tục ngữ ghi lại niềm tự hào của nhân dân ta đối với các vùng quê có nghề dệt phát triển: “ Thanh Chương là đất cày bừa/ Nam Đàn dệt vải hát hò thâu canh”, “ Đặng Sơn người đẹp, nước trong/ Dâu non xanh bãi, tơ tằm vàng sân”, “ Anh đua tài kinh sử/ Em đua tài dệt gấm thêu hoa… Đã có không ít những tấm gương sáng về người phụ nữ xứ Nghệ cả đời tảo tần bên khung cửi để nuôi chồng, con ăn học thành tài. Bà Hoàng Thị Loan thân mẫu chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng miệt mài bên khung dệt để cho chồng yên tâm đèn sách, lai kinh ứng thí, nhờ vậy mà biết bao người đã “bảng hổ đề danh”. Có lẽ phần nào nhờ những người phụ nữ chịu thương chịu khó mà xứ Nghệ có nhiều người học rộng tài cao, rạng danh khoa cử. Đây chính là một trong những đề tài chủ yếu được thể hiện trong tranh thêu cổ.

Quy trình dệt thủ công của người Kinh ở Nghệ An về cơ bản giống với những nơi khác. Nhưng điều đặc biệt tạo nên đặc trưng riêng của nghề. Đó nhờ nghề dệt truyền thống mà xứ Nghệ có làn điệu “ hát phường vải” nổi tiếng. Ví phường vải – là một trong những thể loại đặc sắc nhất của dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng như các loại dân ca khác, ví phường vải gắn với quá trình lao động, sản xuất nhưng đặc biệt hơn là hát ví phường vải thường thu hút nhiều nhà nho, văn nhân tham gia đối đáp như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc…

Bức tranh thêu “ Bàn đào hiến thọ” tái hiện lại một phong tục đẹp, một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Đó là khung ảnh ngày xuân con quy quần chúc thọ cha mẹ thêm tuổi mới.

Nghề dệt, thêu trong đời sông dân tộc Thái

Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung. Dệt thổ cẩm còn được coi là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo người con gái Thái.

Đồng bào Thái ở Nghệ An cũng không ai còn nhớ nghề dệt của họ có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi sinh ra và lớn lên người Thái đã thấy người chị, người mẹ của mình miệt mài bên khung dệt. Nghề truyền thống “mẹ truyền, con nối” không chỉ dệt phục vụ cho nhu cầu của gia đình mà còn trao đổi cho đồng bào Thổ, Khơ mú, Ơ đu, người Lào… trong vùng. Có thể nói thổ cẩm gắn bó với người phụ nữ Thái từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi về với “mường trời”.

Nghệ thuật trang trí của người Thái rất phong phú, có đến hơn 30 hoa văn, họa tiết, thể hiện quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, triết lý âm dương, hoa đực hoa cái, con trống, con mái, đất trời cùng vạn vật hòa hợp. Những hình thoi quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu… Tất cả như một thế giới thu nhỏ.

Cho đến nay, trải qua nhiều vận động, biến thiên của lịch sử và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa song nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái vẫn lưu giữ được cái hồn của mình, góp phần tạo nên một nét văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc Thái

Bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thêu truyền thống

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, ý thức lưu giữ nghề truyền thống ngày càng được nâng cao trong cộng đồng các dân tộc. Nghệ An cùng với cả nước từng bước khôi phục và phát triển các làng nghề, từng bước quảng bá, mở ra cơ hội để đưa các sản phẩm dệt thêu truyền thống đến gần hơn với thế giới thông qua việc xây dựng thương hiệu các làng nghề, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, trong các dịp lễ hội địa phương như Hang Bua, Thẩm Ổm, đền Chín Gian …thành lập các hợp tác xã để chị em học nghề và tạo ra các sản phẩm; kết hợp hình thức du lịch sinh thái gắn với các làng nghề…

z2587480015378_001d03c8d8a5cced07e48971b6a75ac4
z2587481335154_adfb2d0daa8bf27a4cb00e83ad924356
z2587480017368_0f401869afcb1a16a1b1baec8d4df93c
z2587480023807_cd391631835a9dabd48d690d19635592
Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial