Chuyên đề: Ký ức thời hoa lửa

Trải qua các cuộc kháng chiến, bao máu xương của đồng bào chiến sĩ đã đổ xuống cho đất nước được độc lập, tự do. Những vật dụng của người lính theo năm tháng đã trở thành những hiện vật quý được nâng niu giữ gìn. Kỷ vật kháng chiến là một phần của cuộc chiến tranh, chiếc cầu nối giữa ký ức và hiện tại của những người đã đi qua cuộc chiến, trở thành những kỷ vật rất đỗi thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ký ức thời hoa lửa của người lính cụ Hồ chính là khoảng ký ức hào hùng, đẹp đẽ, thiêng liêng nhưng vô cùng gần gũi, chân thực, cảm động của những người đã viết nên những trang sử hào hùng nhất của thế kỷ XX. Đó có thể là những trang thư, những trang nhật ký, những kỷ vật đã gắn bó với người lính trong chiến tranh mà chúng ta – những người sinh ra trong thời bình ít có điều kiện được thấy, được tiếp xúc và cảm nhận.

Để thiết thực kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020),75 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2020) và ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2020 , Bảo tàng Nghệ An xây dựng trưng bày chuyên đề: “Ký ức thời hoa lửa” như một sự tri ân đối với các thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập cho dân tộc.

Nội dung trưng bày gồm có 02 chủ đề:

Chủ đề 1: Kỷ vật kháng chiến

Chủ đề 2: Tiếp lửa truyền thống

Chuyên đề giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu, hình ảnh trong đó có nhiều hiện vật quý như: sưu tập quyết tâm thư, đơn tình nguyện, thư, nhật ký, kỷ vật chiến trường của bộ đội, thanh niên xung phong Nghệ An… trong các cuộc kháng chiến. Thông qua những hình ảnh, tài liệu, hiện vật này, Bảo tàng mong muốn sẽ giúp công chúng hiểu thêm phần nào về cuộc sống, tình cảm và lý tưởng của người lính trong chiến tranh để biết trân trọng hơn giá trị cuộc sống, từ đó, ra sức gìn giữ, bảo vệ sự bình yên của quê hương, đất nước.

Kỷ vật kháng chiến

Trong những năm tháng chiến tranh, từ chống Pháp, chống Mỹ đến các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của tổ quốc, ở Nghệ An đã có hàng vạn lượt thanh niên xông pha nơi chiến trận. Ngoài hành trang được cấp phát “một ba lô, cây súng trên vai”, mỗi người lính ra đi mang theo hình bóng quê nhà, người thân để rồi nơi chiến trường xa họ chỉ biết gửi nhớ thương lên từng trang thư viết vội, lên những trang nhật ký hay chiếc lược, chiếc cối giã trầu được khắc tỉ mỉ từ xác bom, mảnh đạn của quân thù…

Thông qua những kỷ vật kháng chiến, chúng ta hiểu hơn về cuộc sống của người lính nơi chiến trường – một cuộc sống khốc liệt nhiều gian khổ, hy sinh nhưng luôn lấp lánh ý chí, khát vọng của tuổi trẻ đầy tươi sáng và giàu lý tưởng sống cao đẹp. Những trang thư, nhật ký thời chiến cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư tình cảm của thế hệ thanh niên thời hoa lửa – thời đại Hồ Chí Minh với những trái tim đầy nhiệt huyết, có lý tưởng sống cao đẹp.

Tiếp lửa truyền thống

Chiến trường nào cũng nhiều gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh nhưng dù thời chiến hay thời bình, lực lượng vũ trang Nghệ An luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ: Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc. Những người lính đi qua cuộc chiến dù mang trong mình thương tật nhưng với tinh thần “ Thương binh tàn nhưng không phế” họ đã tích cực vươn lên làm kinh tế giỏi.

z2587570965608_9caca9d2b6bf06842dae547ca0aabbe4
z2587570964545_6fb07e044e375dd8a8d1302c72e4bb8f
z2587570973143_113918a88bc3b659ebf06217dd71eb84
z2587570977383_0261e70044602999967e4163f60cd0e5
z2587570978512_c5c1b7368ce0e89d108f02bccd5a2f06
z2587570984802_5e3e3eca654ad8181841b7305bf226b0
Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial