Có thể nói rằng, trong dòng chảy lịch sử của nhân loại sự ra đời của đồ gốm, sứ mà trước hết là đồ gốm đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng. Nghề làm gốm là một trong những nghề có truyền thống lâu đời tại Việt Nam, gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân.Với trí tuệ và đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm, gốm Việt Nam đã trở thành một loại hình mang tính dân gian sâu sắc.
Nhân kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Bảo tàng Nghệ An. Bảo tàng Nghệ An tổ chức trưng bày chuyên đề:“ Nghệ An trong dòng chảy gốm sứ truyền thống Việt Nam”
Nội dung gồm có 03 chủ đề:
Chủ đề 1: Nghề gốm thời Tiền sơ sử ở Nghệ An
Chủ đề 2: Nghề gốm, sứ thời Lý – Trần, Lê- Nguyễn
Chủ đề 3: Bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm sứ truyền thống ở Nghệ An.
Với hơn 200 tư liệu hình ảnh, tài liệu, hiện vật, sản phẩm được giới thiệu tới công chúng, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm như: sưu tập đồ dùng sinh hoạt của văn hóa Đông Sơn, sưu tập bình vôi, sưu tập đĩa thời Lý-Trần, Lê-Nguyễn … cùng với hình dáng – hoa văn trang trí, màu men và kỹ thuật nung đạt trình độ cao của các dòng gốm nổi tiếng như: gốm men ngọc, gốm hoa nâu, gốm hoa lam…, quy trình, các sản phẩm gốm của làng gốm Trù Sơn, Đô Lương…
Trưng bày tái hiện lại các quy trình sản xuất gốm truyền thống như: khâu làm đất, tạo dáng sản phẩm, trang trí hoa văn, tráng men, nung đốt giúp người xem có cái nhìn chân thực về các các sản phẩm gốm của Nghệ An nói chung, Việt Nam nói riêng.
Chuyên đề trưng bày không chỉ tôn vinh nghề gốm truyền thống mà còn là dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và phát triển làng gốm Trù sơn, Đô Lương, Nghệ An. Đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về di sản văn hóa cũng như có trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ , phát triển vốn di sản gốm sứ trong thời đại ngày nay.
NGHỀ GỐM THỜI TIỀN SƠ SỬ Ở NGHỆ AN.
Gốm cổ truyền Việt Nam đã có cách đây sáu, bảy ngàn năm. Gốm xuất hiện từ thời đại đồ đá trong những di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mùn…, đến thời đại kim khí với sự phát triển mạnh mẽ của nền nền văn hóa Đông Sơn nghề gốm bước sang một thời kỳ mới. Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào thì sự phát triển của nghề gốm truyền thống đều do tài hoa và đầu óc sáng tạo của những người thợ thủ công.
Ở Nghệ An, từ văn hóa Hòa Bình người Việt Cổ đã biết dùng đất sét làm đồ gốm, kỹ thuật lúc đầu còn thô sơ để cho ra những sản phẩm gốm sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Đến văn hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Tró, văn hóa Tiền Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn người thợ làm gốm không ngừng nâng cao kỹ thuật để đồ gốm ngày càng hoàn thiện về chất lượng, kiểu dáng…
NGHỀ GỐM THỜI LÝ – TRẦN, LÊ – NGUYỄN.
Vào thời Lý – Trần, nghề gốm đạt đến đỉnh cao. Gốm thời Lý-Trần phát triển tới mức không chỉ được sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao qua việc sản phẩm gốm thời kỳ này xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Gốm Lý – Trần đã có bước phát triển về mặt kỹ thuật và mỹ thuật, đa dạng chủng loại: nồi, bát, bình , đĩa, bình vôi, thạp…, với các dòng men nổi tiếng: men ngọc, men nâu, men lam.
Những trung tâm gốm sứ ở nước xuất hiện từ thời Lý – Trần mà đến nay vẫn còn hưng thịnh: Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Chum Thanh (Thanh Hóa)…
Bước sang thời Lê -Nguyễn nghề gốm phát triển với đặc trưng của dòng gốm men lam.Với những trung tâm sản xuất gốm khá nổi tiếng: gốm hoa lam Chu Đậu, Bát Tràng (Hà Nội), Cậy (Hải Dương), Thổ Hà (Bắc Ninh), Lò Chum (Thanh Hóa)…
Có thể nói, nghề gốm sứ thời Lý – Trần, Lê – Nguyễn đa dạng về loại hình, phong phú về kiểu dáng đáp ứng nhu cầu đời sống hằng ngày của các tầng lớp cư dân của thời kỳ này.
Bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm truyền thống ở Nghệ An.
Nghề gốm đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhân dân ta, là nét đẹp,là bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc bởi thế gìn giữ và bảo tồn được nghề gốm truyền thống là giữ được những nét văn hoá cổ truyền từ ngàn đời.
Hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản gốm, sứ của Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng được nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Bảo tồn và phát huy gốm truyền thống Nghệ An nói chung, làng gốm Trù Sơn nói riêng là một việc làm thiết thực nhằm quảng bá hình ảnh về một xứ Nghệ với những làng nghề truyền thống gắn bó với cuộc sống của nhân dân đồng thời phát huy giá trị tốt đẹp của nghề gốm truyền thống của nước nhà.