Hiện vật – Ngôn ngữ của Bảo tàng

Ngày đăng: 11/06/2021 15:09

Lịch sử hình thành và phát triển bảo tàng đã chứng minh rằng bảo tàng ra đời là để phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội. Bằng các hoạt động đa dạng của mình, các bảo tàng đã và đang cố gắng đổi mới nhằm lôi cuốn thu hút khách tham quan.

Định nghĩa năm 1995 của Hội đồng Quốc tế các Bảo tàng (ICOM) được coi là mới nhất về bảo tàng “Bảo tàng là một thiết chế phi lợi nhuận hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội, mở cửa cho công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục, thưởng thức”.

Về cơ bản định nghĩa này tương đồng với định nghĩa trong Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày sưu tập về lịch sử tự nhiên, xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân” và được chỉnh sửa trong Luật Di sản văn hóa hợp nhất vào ngày 20/07/2013: Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản,nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa bằng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng”.

Khi nhắc đến bảo tàng điều đầu tiên phải nhắc đến hiện vật, có thể nói hiện vật bảo tàng vừa là cơ sở cho mọi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, vừa là ngôn ngữ của mỗi một bảo tàng; đồng thời là điều kiện mang tính quyết định để cho ra đời một bảo tàng.

Việt Nam hệ thống Bảo tàng bao gồm có: Bảo tàng quốc gia là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập có giá trị tiêu biểu trong phạm vi cả nước; Bảo tàng chuyên ngành là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập có giá trị tiêu biểu về một chuyên ngành; Bảo tàng cấp tỉnh là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập có giá trị tiêu biểu ở địa phương; Bảo tàng tư nhân là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về một hoặc nhiều chủ đề.

Theo Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng do Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin ban hành ngày 15/9/2006 khái niệm hiện vật bảo tàng được hiểu: “Hiện vật bảo tàng là di sản văn hóa gồm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể đã được vật thể hóa và các mẫu vật tự nhiên, thuốc đối tượng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và loại hình bảo tàng”.

Qua định nghĩa trên cho thấy khái niệm hiện vật bảo tàng hiện nay rất đa dạng; tính đa dạng thể hiện ở chỗ nếu như trước đây, các nhà nghiên cứu bảo tàng hầu như chỉ đề cập đến tính vật thể của các hiện vật bảo tàng thì trong định nghĩa trên các nhà nghiên cứu đã chú trọng đến cả tính phi vật thể. Những đối tượng hoạt động của bảo tàng trong giai đoạn hiện nay không chỉ có các di sản văn hóa ở dạng vật thể ( hữu hình), các mẫu vật tự nhiên có giá trị bảo tàng, mà còn có cả các di sản văn hóa ở dạng phi vật thể (vô hình). Ở trong khái niệm của Luật di sản văn hóa: “Di vật là  hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; còn Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên”.

Trên thực tế, tuy có khá nhiều định nghĩa về hiện vật bảo tàng nhưng nhìn chung đều thống nhất rằng, hiện vật bảo tàng là bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, được bảo tàng sưu tầm, nghiên cứu, xác minh, hoàn thiện hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý cho hiện vật.

Hiện vật bảo tàng là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều loại hình, chất liệu và hình thức: hiện vật thể khối, tài liệu chữ viết, tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh và băng ghi âm. Hiện vật là ngôn ngữ của bảo tàng, là cơ sở cho mọi hoạt động của bảo tàng, không có hiện vật thì không có bảo tàng, không có trưng bày bảo tàng và các hoạt động khác của bảo tàng. Hiện vật vừa là trung tâm, vừa là điểm xuất phát của bảo tàng. Vì vậy, để có hiện vật phù hợp với loại hình và yêu cầu cụ thể thì bảo tàng phải tiến hành công tác sưu tầm, tức là phải sử dụng tổng hợp tất cả các biện pháp để có được hiện vật, thông qua nhiều phương thức: khảo sát; điền dã; tổ chức các chuyến đi công tác sưu tầm; khai quật khảo cổ; tiếp nhận hiện vật hiến tặng từ các tổ chức, cá nhân; mua, trao đổi hiện vật. Công tác sưu tầm là hoạt động thường xuyên, liên tục, không bao giờ ngừng cùng với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của bảo tàng, là công việc khoa học cực kỳ quan trọng, nhằm xây dựng và làm giàu kho hiện vật bảo tàng. Trong giai đoạn đầu chuẩn bị xây dựng trưng bày, nhiệm vụ trọng tâm của công tác sưu tầm là đáp ứng yêu cầu hiện vật cho trưng bày bảo tàng. Sau khi trưng bày mở cửa, nhiệm vụ trọng tâm của công tác sưu tầm là xây dựng vốn hiện vật cho kho bảo quản và bổ sung cho các bộ sưu tập.

Hiện vật bảo tàng càng phong phú, càng phù hợp với loại hình bảo tàng, càng được nghiên cứu, xác định khoa học một cách toàn diện, đầy đủ, cụ thể, kỹ lưỡng, chính xác bao nhiêu thì càng có điều kiện để rộng đường lựa chọn hiện vật phục vụ cho xây dựng trưng bày, đổi mới trưng bày, tổ chức triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền-giáo dục…ở trong và ngoài bảo tàng.

Từ những định nghĩa, khái niệm và nhận thức về bảo tàng trên, có thể hiểu:

Một là, hiện vật bảo tàng, trước hết phải là hiện vật gốc, được lấy ra từ cuộc sống của tự nhiên và xã hội, là bằng chứng xác thực, khách quan về một hiện tượng, một sự kiện nhất định của tự nhiên và xã hội, sống trong một không gian và thời gian nhất định, không thể làm lại, không thể tự sáng tạo ra theo ý chí chủ quan của con người. Mỗi hiện vật là một nhân chứng, một câu chuyện về một sự kiện, một hiện tượng của tự nhiên hoặc xã hội.

Hai là, hiện vật bảo tàng phải là hiện vật gốc, nhưng không phải bất cứ hiện vật gốc nào được lấy ra từ tự nhiên hoặc xã hội, được đưa về bảo tàng cũng đều trở thành hiện vật bảo tàng, mà chỉ có các hiện vật được chọn lọc kỹ lưỡng, có giá trị về nhiều mặt, hay một mặt về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ – thuộc tính vốn có của hiện vật, tồn tại một cách khách quan và được làm sáng tỏ từng bước trong quá trình nghiên cứu, xác minh hiện vật.

Ba là, sưu tầm; kiểm kê; nghiên cứu xác định khoa học hiện vật và bảo quản là các khâu công tác quan trọng, có quan hệ mật thiết với nhau trong hoạt động bảo tàng, khâu trước là tiền đề của khâu sau; khâu sau là kết quả của khâu trước.

Công tác nghiên cứu, xác minh, hình thành hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý cho hiện vật phải là công việc mang tính khoa học, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, là công việc hàng ngày của cán bộ bảo tàng.

Cùng với việc kiểm kê, nghiên cứu, xác định khoa học hiện vật, cần hết sức coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xác lập hệ thống dữ liệu, tra cứu, bảo quản hiện vật nhắm đáp ứng yêu cầu phục vụ các hoạt động của bảo tàng.

Bốn là, hiện vật bảo tàng bao giờ cũng gắn với một bảo tàng cụ thể, phù hợp với loại hình, chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng đó. Có những hiện vật rất quý với bảo tàng này nhưng lại không phù hợp với bảo tàng khác. Điều đó chỉ ra rằng, việc sưu tầm hiện vật, xây dựng kho cơ sở của bảo tàng phải căn cứ vào loại hình bảo tàng, chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng.

Năm là, khi hiện vật đã trở thành hiện vật bảo tàng thì hiện vật được bảo quản trong kho của bảo tàng, trở thành di sản văn hóa, là tài sản quốc gia, được sử dụng vì lợi ích của toàn xã hội, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế.

                                                                                 Đinh Thị Ánh Tuyết

                                                                          PTP. Nghiên cứu – Sưu tầm

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial